6 dấu hiệu nhận biết phanh xe có vấn đề

Phanh là một bộ phận rất quan trọng của xe bởi nó góp phần giúp bạn có một hành trình an toàn. Chính vì vậy, nếu bạn nhận thấy bất kỳ dấu hiệu khác lạ nào cảnh báo hệ thống phanh có vấn đề dưới đây, hãy thu xếp thời gian để sữa chữa hoặc thay thế chúng ngay lập tức.

1. Âm thanh bất thường

Âm thanh bất thường ở đây có thể là tiếng rít của kim loại hay tiếng ken két từ hệ thống phanh.

  • Tiếng rít của kim loại

     Nếu bạn nghe thấy âm thanh như kiểu tiếng rít của kim loại khi phanh thì có nghĩa má phanh của xe đã bị mòn khá nhiều. Chúng làm bằng kim loại và âm thanh này có thể là tiếng chúng va chạm với đĩa phanh. Khi nghe thấy âm thanh này, bạn sẽ cần phải thay má phanh, một việc nên làm ngay trước khi nó gây tổn thất đến đĩa phanh và khiến bạn tốn nhiều tiền sửa chữa hơn.

  • Tiếng ken két

     Tiếng ken két mà bạn cảm thấy ở bàn đạp phanh có thể do càng phanh đang gặp vấn đề. Nhưng đôi khi, đó lại do má phanh đã mòn và bạn nghe thấy tiếng kim loại va vào nhau  tạo nên các rãnh ở đĩa phanh.
Một nguyên nhân khác tạo ra âm thanh này là do trống phanh ở bánh sau thiếu dầu phanh bởi đã lâu bạn không bảo dưỡng chúng. Guốc phanh (một thành phần tựa như má phanh ở bánh trước tạo áp lực lên trống phanh để làm chậm tốc độ của phương tiện) do thiếu dầu trong xi lanh nên không thể di chuyển trơn tru vào tạo nên những tiếng va chạm như tiếng kim loại cà vào nhau.

     Nếu bạn nghe thấy bất kỳ âm thanh nào trong những âm thanh trên, hãy kiểm tra lại hệ thống phanh của xe ngay lập tức để giảm thiểu những chi phí tốn kém không đáng có về sau.

2. Đèn cảnh báo phanh sáng

     Khi đèn cảnh báo phanh chuyển đỏ hoặc vàng thì điều đó có nghĩa hệ thống phanh của bạn đang có vấn đề và bạn cần dành thời gian kiểm tra nó.

3. Xe bị lạng khi phanh

     Điều này có nghĩa ống thắng dầu hay càng phanh đã bị hỏng. Khi càng phanh bị hỏng, lực ép của má phanh lên đĩa phanh sẽ không đều khi bạn phanh dẫn đến hiện tượng xe bị lạng.

4. Bánh xe bị rung lắc khi phanh

Bánh xe bị rung lắc khi phanh có thể bắt nguồn từ một trong ba nguyên nhân sau:

  • Do đĩa phanh không còn trơn láng

     Đĩa phanh là một chiếc đĩa kim loại lớn gắn với mặt trong của bánh xe trước. Khi bạn đạp chân phanh, các má phanh sẽ tì vào đĩa phanh này và làm chậm tốc độ của bánh xe. Đĩa phanh này phải thực sự phẳng, nhẵn nhụi, thậm chí chuẩn xác cả về độ dày để có thể hoạt động hiệu quả.

     Qua thời gian dài sử dụng, bề mặt của đĩa phanh sẽ không còn hoàn hảo nữa. Chúng có thể sẽ bị rỉ sét và nhiệm vụ của thợ cơ khí khi bảo dưỡng hệ thống phanh là làm nhẵn lại bề mặt này.  Đây là công việc cần được tiến hành một cách chính xác phù hợp với thông số kỹ thuật của chiếc xe. Chỉ một khác biệt rất nhỏ về độ dày của đĩa phanh, có thể là một phần nghìn của 1cm cũng có thể gây ra sự chao đảo khi bạn phanh.

     Bề mặt đĩa phanh không phẳng cũng khiến đĩa phanh va chạm với má phanh khi xe di chuyển, khiến cho vật liệu đệm từ má phanh dính lại đĩa phanh và khiến xe chao đảo khi phanh.

  • Do càng phanh không nhả hợp lý

Một nguyên nhân khác khiến phanh xe không mượt có thể bởi càng phanh không nhả hợp lý. Công việc của càng phanh là ép các má phanh tì lên đĩa phanh khi dầu phanh được bơm vào qua pít tông. Dưới tác động của nhiệt và bụi đường, pít tông có thể bị kẹt và má phanh sẽ không được trả về đúng vị trí khi bạn nhả chân phanh.

  • Do bánh xe hoặc phanh không được lắp đặt chính xác

     Nguyên nhân thứ ba bắt nguồn từ việc bạn đã không cân chỉnh và lắp đặt chính xác các đai ốc khi thay lốp, khiến cho bánh xe và phanh không ở vị trí hoàn hảo của nó. Khi đó, đĩa phanh sẽ tạo ra những tiếng động lạ, sớm bị mài mòn cũng như bị giảm tuổi thọ.

5. Cảm giác đạp phanh quá dễ dàng hoặc quá sâu

     Thông thường, với phanh điện, khi bạn nhấn phanh, phanh dừng cách mặt sàn xe từ 1.5 – 2cm là hợp lý. Nếu bạn sử dụng cả phanh tay, khoảng cách với mặt sàn là 4 – 5cm.

     Nếu bạn nhận ra có sự khác biệt trong lực cản khi đạp phanh, có thể là dễ dàng hơn , hay bàn đạp bị chìm xuống thảm sàn khi bạn nhấn chân thì đó là dấu hiệu bạn nên kiểm tra phanh ngay lập tức. Đó có thể là do trong hệ thống phanh có khí hay bị ẩm, hoặc vấn đề đến từ xilanh chủ.

     Xi lanh chủ là bộ phận chính tạo nên lực đẩy cho hệ thống phanh của xe. Nó có một bể chứa dầu phanh. Khi bạn đạp phanh, dầu phanh được xi lanh đẩy qua một đường ống mỏng tạo nên áp suất thủy lực. Nếu dầu phanh bị rò rỉ, không còn đủ để tạo áp lực thì các má phanh sẽ khó để tiếp cận được với đĩa phanh.

6. Mùi khét khi đang lái xe

     Khi rà phanh liên tục trên đường dốc, bạn ngửi thấy mùi khét rõ rệt của hóa chất thì có nghĩa phanh hoặc bộ ly hợp của xe đã bị quá nhiệt. Hãy tìm một chỗ an toàn và dừng xe ngay lập tức, kiểm tra lại hệ thống phanh tay và đảm bảo rằng chúng đã được nhả hoàn toàn. Lúc này, bạn phải kiên nhẫn đợi cho hệ thống phanh nguội đi trước khi khởi hành tiếp. Nếu cứ tiếp tục đi, dầu phanh sẽ bị đun nóng đến sôi và làm hỏng hệ thống phanh của xe.

     Không phải tiếng động hay biểu hiện lạ nào khi phanh cũng xuất phát từ hệ thống phanh. Nó có thể chỉ là tiếng rít vô hại từ một số loại vật liệu trong má phanh, hay có thể có bụi hoặc hơi ẩm ở đâu đó trong hệ thống phanh, và việc bạn cần làm chỉ đơn giản là bổ sung thêm dầu phanh.

     Mấu chốt là bạn phải thực sự nắm rõ được vấn đề mình đang gặp phải là gì. Nếu không rõ, bạn nên đưa xe đến gara để những người thợ chuyên nghiệp kiểm tra xe cho bạn. Chỉ một phút chần chừ, bạn càng tiến gần hơn đến những nguy hiểm bất ngờ xảy đến trong tương lai cũng như sẽ phải bỏ ra thêm những khoản tiền không đáng có.

Vậy, làm sao để bạn nhận biết được các vấn đề của phanh khi đang lái xe?

1. Quan sát khi lái

     Khi bạn cảm thấy có bất kỳ dấu hiệu khác lạ nào trong các dấu hiệu đã kể trên, hãy dừng lại và kiểm tra hệ thống phanh của xe.

2. Kiểm tra lượng dầu phanh

     Khi không sử dụng xe, bạn có thể mở nắp để kiểm tra lượng dầu phanh còn trong hộp và việc này nên làm mỗi tháng một lần. Nếu mức dầu phanh quá thấp thì đó là lúc bạn nên bổ sung dầu phanh. Nhưng nếu bạn nhận thấy dầu phanh bị hao hụt dần sau mỗi lần kiểm tra thì có thể chúng đã bị rò rỉ ở một chỗ nào đó trong hệ thống. Việc kiểm tra chi tiết hơn lúc này sẽ do các thợ cơ khí chuyên nghiệp ở gara đảm nhận thay cho bạn.

     Một điều nữa cần lưu ý khi kiểm tra dầu phanh là màu của chúng. Khi dầu phanh còn mới, chúng sẽ ở trạng thái trong hoặc hơi mờ. Nếu dầu đã cũ và bẩn, chúng chuyển sang màu tối và đã đến lúc bạn cần thay thế dầu phanh cho xe của mình.

3. Tháo bánh để kiểm tra hệ thống phanh

     Nếu có thời gian, bạn nên tháo hẳn lốp xe ra để kiểm tra tình trạng của đĩa phanh trước. Quan sát xem đĩa phanh có phẳng không, có bị cào xước, rỉ sét hay dính vật lạ nào không.

     Trên đây là những lưu ý về phanh và cách phát hiện ra các vấn đề về hệ thống phanh. Hi vọng bài viết đã đem lại cho các bạn những thông tin hữu ích và giúp bạn an tâm hơn khi vận hành xe của mình.

Read more...